Shopping Cart

Thành Tiền 0đ
Tổng Tiền 0đ

BÀN VỀ HUYẾT (MÁU)

25/02/2023
Kiến thức


A. SINH LÝ CỦA HUYẾT

1. Nguồn gốc sinh ra huyết:

Theo Y học hiện đại gọi là Máu, Đông y gọi là Huyết.

Huyết là một chất màu đỏ, tươi, nhuận, lưu thông không ngừng trong kinh mạch.

Sách nội kinh nói: "Trung tiêu thụ khí thủ chấp biến hóa nhi sinh thị vi huyết" (trung tiêu tiếp nhận thủy cốc tiêu hóa thành chất tinh hoa và biến hóa ra màu đỏ gọi là huyết). Nói huyết sinh ra ở tỳ là nói nguồn gốc của huyết từ chất thủy cốc nhờ sự chuyển hóa của tỳ qua quá trình khí hóa để tạo ra huyết. Vì tỳ vị mạnh thì sự hấp thụ và chuyển hóa thủy cốc sẽ tốt hơn để tạo ra nguồn sinh huyết.

Hải Thượng Lãn Ông nói: "Huyết là tinh hoa của thủy cốc, sinh hóa ở tỳ, tổng thống ở tâm, tàng trữ ở can, tuyên bổ ở phế và thi tiết ở thận" và ông chứng minh "thận chủ ngũ dịch" nếu nói huyết không thuộc thận thì không đúng.

Từ khi mới là bào thai, huyết nhờ khí hóa của tiên thiên (tinh huyết của cha mẹ) mà tạo thành. Trong quá trình khí hóa của khí hậu thiên, thông qua tâm khiếu biến thành màu đỏ gọi là huyết, vì tâm thuộc hỏa, mà màu đỏ là đặc trưng của hỏa và huyết.

Ông Đường Long Xuyên nói: "Tân dịch ở thận đi vào vị kết hợp với chất tinh vi, được tỳ vận chuyển lên phế đi vào tâm biến hóa ra màu đỏ tức là huyết".

Tâm ứng với quẻ Ly chất dịch vào tâm giống như hào âm ở giữa quẻ ly hóa thành màu đỏ tượng như hai hào dương ở ngoài quẻ ly cho nên huyết thuộc âm là âm trong dương. Thủy giao với hỏa nên hóa thành huyết.

Cơ sở của huyết từ vật chất hữu hình thuộc âm, là thủy được phân bố ở trong mạch.

Qua đó cho thấy nguồn gốc sinh ra huyết là do chất tinh ba của thủy cốc trải qua quá trình khí hóa tạo ra. Quá trình khí hóa ăn nhịp với sự hoạt động của các tạng phủ.

2. Vai trò hoạt động của huyết trong cơ thể:

Huyết là một thành phần cơ bản không thể thiếu được trong cơ thể con người, nơi nào cũng cần có huyết và huyết cũng đi khắp mọi nơi trong cơ thể, ngoài thì nhu nhuận bì phu, lông tóc, trong thì lưu thông mạch lạc, gân xương, tủy não và lục phủ ngũ tạng. Cho nên huyết còn gọi là dinh có nghĩa là dinh dưỡng các bộ phận trong cơ thể. Huyết đi phần trong mạch liên hệ với các cơ quan tạng phủ theo sự phân bố tuần hoàn để dinh dưỡng tạng phủ, xương tủy tạo năng lượng và giữ năng lượng cho các cơ quan trong cơ thể hoạt động điều hòa...

Huyết sở dĩ lưu thông điều hòa và dinh dưỡng toàn thân vì huyết luôn luôn sinh hóa thanh lọc, thải cái cũ, sinh cái mới.

Cơ chế trong cơ thể con người hoạt động được phải có huyết, cũng như cây cần có nhựa luyện mới hấp thu và trao đổi được sinh khí của thiên nhiên để có cành lá xum xuê, đâm chồi nảy lộc, khai hoa kết quả. Con người nhờ có huyết mà hai tay nắm vững vàng, hai chân bước đi mạnh mẽ, mắt nhìn sáng, tai nghe rõ, da dẻ hồng hào, râu tóc xanh đen, thân hình lanh lợi khỏe khoắn, nếu chỗ nào không đầy đủ huyết thì co quắp run giật, sinh ra chứng tê liệt không cử động được. Huyết suy thì hình thể suy yếu, huyết bại thì hình thể bại liệt. Huyết cũng như nước ở nguồn suối đầy đủ thì lưu thông, ủng trệ chỗ nào thì sinh ra đau buồn tê dại, sưng thũng, ung nhọt.

Vai trò của huyết còn trong điều hòa mồ hôi, vì mồ hôi là chất dịch của tâm, tên riêng của huyết. Mồ hôi là huyết dịch, do đó bệnh mất huyết thì không có mồ hôi, bệnh ra mồ hôi nhiều thì hao tổn huyết. Huyết nhu nhuận điều hòa, âm dương không rối loạn thì không thể xảy ra chứng xuất huyết.

Mọi hoạt động về tinh thần gồm thần chí, hồn phách, ý chí đều có sự ảnh hưởng và tác động của huyết. Thiên bản thần sách Linh khu nói: "Huyết mạch, dinh khí, tinh thần đều chứa ở ngũ tạng" và nói: "Can chứa huyết, huyết là chỗ nương tựa của hồn; tỳ chứa dinh, dinh là chỗ nương tựa của ý; tâm chứa mạch, mạch là chỗ nương tựa của thần". Sách Tố vấn nói: "Huyết khí là thần của người ta cần nên cẩn thận nuôi dưỡng". Vì như huyết nhiệt, huyết hư thì can khí càng thịnh mà hay giận dữ, huyết thiếu thì thận suy mà hay kinh sợ...Từ đó cho thấy hoạt động thất thường của tinh thần sẽ sinh ra các bệnh về huyết và ngược lại huyết có thể sinh ra các bệnh về tinh thần.

Đối với phụ nữ huyết giữ vai trò quan trọng rất lớn về sinh lý, nhất là từ khi thiên quý (14 tuổi) đến mạch xung nhâm đầy đủ thì bắt đầu hành kinh và thai nghén sinh đẻ, cho đến khi mãn kinh (49 tuổi) là một quá trình hoạt động mạnh của mạch xung nhâm và bào cung. Cho nên trong thời kỳ này mọi thay đổi của sinh lý đều có quan hệ chặt chẽ đến huyết. Sách có câu: "Nữ tứ tiên vấn kinh huyết" (xem bệnh phụ nữ trước hết phải chú trọng đến kinh huyết).

Tóm lại huyết làm nhiệm vụ lưu thông huyết dịch, chuyển hóa các chất tinh hoa dịch vị để nuôi dưỡng toàn thân. Huyết tự nó cũng sinh hóa thanh lọc, bài tiết. Huyết giữ sự liên lạc và điều hòa mọi hoạt động trong cơ thể giữa tạng phủ, cốt tủy, cân mạch, cơ nhục, bì mao...và bảo vệ cơ thể, chống ngoại tà xâm nhập. Huyết đầy đủ vinh nhuận thì da lông thớ thịt kín đáo, ngoại tà không xâm nhập được, các bệnh nội thương về tình chí cũng ít xảy ra.

Bài viết dựa trên tài liệu đông y 

ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM

  • Lọc theo:
  • Tất cả
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Chia sẻ

Bài viết liên quan